Đảm bảo tất cả nhân sự tham gia vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KCB) tại phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, đặc biệt là người hành nghề (bác sĩ, điều dưỡng…), phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý và chuyên môn theo quy định hiện hành.
Tóm tắt nội dung
Căn cứ pháp lý tiêu chí về nhân sự nha khoa
Tiêu chí này được xây dựng dựa trên nền tảng pháp lý, bao gồm:
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Số 15/2023/QH15): Khung pháp lý cao nhất quy định về điều kiện hành nghề, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề.
- Luật Viên chức (sửa đổi 2019): Áp dụng cho trường hợp nhân viên y tế là viên chức nhà nước làm thêm ngoài giờ tại phòng khám.
- Nghị định 96/2023/NĐ-CP: Quy định chi tiết thi hành Luật KCB 2023, làm rõ các điều kiện về GPHN, phạm vi hoạt động, đăng ký hành nghề…
- Thông tư 32/2023/TT-BYT: Hướng dẫn chi tiết thêm về Luật KCB 2023.
- Công văn 10359/SYT-QLDVYT (của Sở Y tế TP.HCM): Hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký hành nghề trực tuyến trên địa bàn thành phố.
Phân tích chi tiết tiêu chí 1 về nhân sự nha khoa
1. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề hoặc chưa đăng ký hành nghề với Sở Y tế.
Chưa có CCHN/GPHN: Người thực hiện KCB mà không có giấy phép hợp lệ là hành vi bất hợp pháp. Điều 19 Khoản 1 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023: Quy định cá nhân chỉ được KCB khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề: Việc đình chỉ hành nghề là một biện pháp xử lý khi người hành nghề có sai phạm. Điều 34 Luật KBCB 15/2023/QH15: Quy định các trường hợp bị đình chỉ hành nghề
Chưa đăng ký hành nghề với Sở Y tế: Người hành nghề dù có GPHN nhưng phải đăng ký hành nghề tại (các) cơ sở KBCB mà mình làm việc với Sở Y tế. Điều 36 Luật KBCB 15/2023/QH15: Quy định nguyên tắc đăng ký hành nghề.
2. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Mỗi GPHN/CCHN đều ghi rõ phạm vi hoạt động chuyên môn mà người đó được phép thực hiện, dựa trên văn bằng và quá trình đào tạo, thực hành. Việc thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, hay điều trị các bệnh lý nằm ngoài phạm vi được cấp phép là hành vi vượt quá phạm vi chuyên môn, tiềm ẩn nguy cơ sai sót. Điều 7, Khoản 4 Luật KBCB 15/2023/QH15 quy định Các hành vi bị nghiêm cấm
3. Trong năm bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến nhân sự của phòng khám
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nhân sự (các lỗi nêu ở tiểu mục 1, 2 hoặc các lỗi khác như sử dụng người không đủ điều kiện, không đảm bảo hồ sơ nhân sự…)
4. Niêm yết công khai tại phòng khám hoặc trên trang tin điện tử của cơ sở (nếu có) danh sách, văn bằng chuyên môn và chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn của tất cả người hành nghề.
Phòng khám phải cung cấp thông tin rõ ràng, dễ tiếp cận cho người bệnh và công chúng về đội ngũ nhân sự y tế của mình.
- Danh sách: Phải đầy đủ tên tất cả người hành nghề đang làm việc tại phòng khám.
- Văn bằng chuyên môn: Bằng cấp đào tạo (Bác sĩ, Điều dưỡng RHM…).
- CCHN/GPHN: Số hiệu lực của Giấy phép hành nghề/Chứng chỉ hành nghề.
- Phạm vi hoạt động chuyên môn: Ghi rõ những gì người đó được phép làm (ví dụ: Khám, chữa bệnh RHM thông thường, niềng răng, cắm implant…).
- Hình thức công khai: Có thể niêm yết bảng tại nơi dễ thấy ở phòng khám (khu vực tiếp đón, phòng chờ) hoặc đăng tải đầy đủ trên website/trang thông tin điện tử chính thức của phòng khám (nếu có).
5. Mọi thay đổi về nhân sự hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám đều thông báo về Sở Y tế trong vòng 10 ngày và cập nhật vào dữ liệu đăng ký hành nghề của Sở Y tế.
Bất kỳ sự thay đổi nào (người mới, người cũ nghỉ việc, thay đổi phạm vi hoạt động…) đều phải được báo cáo cho Sở Y tế và cập nhật trên hệ thống quản lý nhân sự SYT trong thời hạn quy định theo Điều 29 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
6. Nhân viên y tế là viên chức làm việc ngoài giờ hành chính tại phòng khám phải có văn bản chấp thuận của thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác.
Nhân viên y tế đang là viên chức tại các cơ sở y tế công lập (bệnh viện công, trung tâm y tế công…) và có làm thêm ngoài giờ tại phòng khám tư nhân, bắt buộc phải được sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo đơn vị công tác chính thức.
7. Người hành nghề có đầy đủ hợp đồng lao động (trừ trường hợp nhân sự là chủ hộ kinh doanh, chủ sở hữu công ty), trong đó quy định rõ thời gian làm việc cụ thể phù hợp với thời gian hoạt động của cơ sở và không trùng thời gian làm việc tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Nội dung HĐLĐ: Phải ghi rõ ràng, cụ thể thời gian làm việc, Thời gian làm việc ghi trong HĐLĐ phải nằm trong khung giờ hoạt động đã đăng ký của phòng khám với Sở Y tế.
Thời gian làm việc đã đăng ký và ghi trong HĐLĐ tại phòng khám này tuyệt đối không được trùng lắp với thời gian làm việc mà người hành nghề đó đã đăng ký tại bất kỳ cơ sở KCB nào khác (kể cả bệnh viện công hay phòng khám tư khác)theo Điều 27 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
8. Bác sĩ hành nghề có giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 05 năm liên tục.
Phải có bằng chứng (giấy chứng nhận) đã tham gia các hoạt động đào tạo liên tục (CME) và tích lũy đủ số giờ tín chỉ theo quy định Điều 22 Luật KBCB 15/2023/QH15
9. Bác sĩ nước ngoài khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc/và bác sĩ Việt Nam khi khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài phải tuân thủ quy định về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh.
Phải thực hiện đúng các quy định về ngôn ngữ sử dụng trong KCB theo điều 36 Nghị định 96/2023/NĐ-CP. Cụ thể:
- Bác sĩ nước ngoài phải đăng ký sử dụng thành thạo một ngôn ngữ (Tiếng Việt hoặc ngôn ngữ khác) hoặc phải có người phiên dịch đủ tiêu chuẩn.
- Bác sĩ Việt Nam khám cho người nước ngoài không nói tiếng Việt cũng phải đảm bảo giao tiếp hiệu quả qua ngôn ngữ chung hoặc cần có phiên dịch.
- Việc ghi chép hồ sơ bệnh án, đơn thuốc… phải tuân thủ quy định (thường ưu tiên tiếng Việt hoặc có bản dịch tiếng Việt kèm theo nếu sử dụng ngôn ngữ khác).
10. 100% người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám có giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 05 năm liên tục.
11. Bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám có trình độ sau đại học chuyên ngành răng hàm mặt trở lên.
Không chỉ cần có GPHN/CCHN phù hợp, bác sĩ bắt buộc phải có trình độ sau đại học (từ Thạc sĩ, Chuyên khoa I,…) đúng chuyên ngành Răng Hàm Mặt.
12. Báo cáo nhân sự đủ điều kiện sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài về Sở Y tế (nếu có khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài).
Nếu phòng khám có cung cấp dịch vụ KCB cho người nước ngoài, phòng khám không chỉ cần đảm bảo có người phiên dịch hoặc người hành nghề nói được ngôn ngữ phù hợp, mà còn phải chủ động báo cáo danh sách những nhân sự này (kèm theo bằng chứng về năng lực ngôn ngữ/phiên dịch nếu có) cho Sở Y tế.
13. Điều dưỡng phụ phẫu thuật tại phòng khám có giấy chứng nhận đã được đào tạo về điều dưỡng nha khoa.
Áp dụng cho những Điều dưỡng có nhiệm vụ phụ tá trong các can thiệp phẫu thuật, thủ thuật tại phòng khám như cấy ghép Implant,.. (không phải tất cả điều dưỡng).
14. Bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám có trình độ chuyên khoa 2 hoặc tiến sĩ chuyên ngành răng hàm mặt.
Một phòng khám đạt cả 5 mức tiêu chí nhân sự thể hiện sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng con người, có năng lực chuyên môn sâu rộng từ người lãnh đạo đến nhân viên hỗ trợ, tạo dựng được uy tín vững chắc và nền tảng để cung cấp dịch vụ KCB RHM chất lượng cao nhất.
ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN
Bài viết liên quan: